1. Mục tiêu đào tạo
Chuyên ngành Kĩ thuật An toàn Hàng hải (BĐA) thuộc ngành Kỹ thuật công trình biển, đào tạo về bảo đảm an toàn hoạt động giao thông hàng hải và công trình hàng hải ven bờ và ngoài khơi.
Mục tiêu của chương trình đào tạo chuyên ngành Kĩ thuật An toàn Hàng hải cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng và chuyên sâu về:
Bảo đảm an toàn công trình hàng hải (Safety of Maritime Construction) bao gồm thi công nạo vét luồng hàng hải, thiết kế luồng tàu, khu nước của cảng, công trình báo hiệu hàng hải, công trình đường thủy, san lấp, tạo bãi, xử lý nền đất yếu, công trình bảo vệ bờ biển và đê chắn sóng...
Bảo đảm an toàn giao thông hàng hải (Safety of Maritime Traffic) bao gồm các kỹ thuật an toàn giao thông hàng hải và khảo sát địa hình, địa chất đáy biển. Trong đó:
- Kỹ thuật an toàn giao thông hàng hải (Maritime Traffic Safety Engineering): gồm có các công tác quản lý và vận hành các hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải, quản lý khai thác hạ tầng giao thông hàng hải, kỹ thuật an toàn giao thông hàng hải trong vùng nước hạn chế, quản lý rủi ro hàng hải, cảnh báo đâm va và biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công công trình hàng hải,…
- Khảo sát biển (Hydrographic Survey): phần chuyên môn không thể tách rời và hỗ trợ trực tiếp cho Kỹ thuật ATHH, bao gồm khảo sát độ sâu luồng và khu nước phục vụ công bố thông báo hàng hải, rà quét chướng ngại vật hàng hải, thành lập bản đồ biển, trắc địa công trình biển, khảo sát khí tượng thủy hải văn, khảo sát địa chất và địa vật lý biển, quét biển, định vị lai dắt vật nổi trên biển, định vị thủy âm và công nghệ lặn biển phục vụ kỹ thuật ngầm,…
2. Chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất
Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp chuyên ngành liên quan, các chương trình đào tạo của các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam và thế giới, được cập nhật thường xuyên theo đặc thù phát triển của ngành
Đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ cao, được đào tạo từ các trường có uy tín trong nước và quốc tế; có kinh nghiệm giảng dạy và thực tế.
Hệ thống phòng thí nghiệm thực hành chuyên ngành với máy móc, thiết bị luôn được bổ sung, trang bị hiện đại đáp ứng nhu cầu đào tạo và đảm bảo tốt chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học.
3. Cơ hội việc làm, khả năng thăng tiến trong công việc
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận các công việc: Công tác tại các cơ quan quản lý biển - đảo, cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy và hàng hải; Các bộ kỹ thuật tại các đơn vị thuộc khối lực lượng vũ trang liên quan đến biển đảo; Các cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ biển; Cán bộ kỹ thuật tại các công ty khảo sát, tư vấn và xây dựng trong lĩnh vực hàng hải; Cơ quan quản lý, các ban quản lý dự án về hàng hải, khai thác tài nguyên biển; Các công ty nạo vét; Giảng viên, nghiên cứu viên.
Danh sách các doanh nghiệp tiêu biểu mà sinh viên đã thực tập hoặc đi làm: Tổng Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam; Cảng vụ hàng hải; Cảng vụ đường thủy nội địa; Bộ Giao thông vận tải; Cục hàng hải; Cục đường thủy nội địa; Hải quân nhân dân VN; Cảnh sát biển; Tìm kiếm cứu nạn; Trung tâm đo đạc bản đồ; Các công ty khảo sát, thiết kế công trình xây dựng như Portcoast, Tedi port, CMB, iCMB…; Các công ty nạo vét; Các công ty thi công.
ISCED Categories