1. Mục tiêu đào tạo
Chuyên ngành Máy tàu thủy ở cấp độ đại học là một ngành học có bề dày truyền thống trên 50 năm (thành lập năm 1962) luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là kinh tế biển gắn với chủ quyền biển đảo. Chuyên ngành Máy tàu thủy (D106) đào tạo nên các kỹ sư có đủ năng lực về thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, thiết kế quy trình lắp ráp và sửa chữa, thiết kế hoán cải, kiểm định và giám định các trang thiết bị của hệ thống năng lượng tàu thủy, công trình nổi, cũng như các lĩnh vực cơ khí khác.
Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành Máy tàu thủy là trang bị cho sinh viên các kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành thành thạo. Dựa trên nền tảng kiến thức được trang bị, kỹ sư sau khi ra trường có thể thích nghi với môi trường làm việc thực tế, khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm. Khả năng giải quyết một cách khoa học những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo. Có trình độ Tin học MOS và tiếng Anh đánh giá theo chuẩn quốc tế.
2. Chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất
Chuyên ngành Máy tàu thủy sở hữu một chương trình đào tạo có chất lượng cao, được xây dựng và cập nhật liên tục bởi các giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia đầu ngành và các giảng viên có kinh nghiệm về chuyên môn. Chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng tiếp cận CDIO, có sự tham khảo thông tin từ các trường đại học hàng đầu trong khu vực và quốc tế. Chương trình đào tạo được cập nhật, điều chỉnh hàng năm phù hợp với sự phát triển về khoa học và công nghệ, nhu cầu về nguồn lao động chất lượng cao và các hoạt động thực tế liên quan đến ngành kỹ thuật tàu thủy. Chất lượng của chương trình đào tạo đã được các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Đội ngũ giáo sư, tiến sỹ, giảng viên cơ hữu tốt nghiệp từ các trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế; có kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tế. Phương pháp dạy học tiên tiến, hướng đến sinh viên, sinh viên làm trung tâm.
Trong quá trình học sinh viên được thực hành, thực tập tại các phòng thực hành, các phòng mô phỏng thuộc trung tâm thực hành thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại, tiên tiến trên Thế giới.
3. Cơ hội việc làm, khả năng thăng tiến trong công việc
Sinh viên sau tốt nghiệp có thể công tác tại: Các công ty, nhà máy, cơ sở công nghiệp; Các nhà máy đóng và sửa chữa tàu, các nhà máy cơ khí; Các công ty khai thác dầu khí và dịch vụ công trình biển; Các cơ quan quản lý trong lĩnh vực cơ khí, tàu thuyền; Các công ty khai thác tàu; Các cơ quan giám sát và kiểm tra, kiểm định kỹ thuật, các cơ quan đăng kiểm; Các viện nghiên cứu và thiết kế về cơ khí, đóng tàu; Các sở, phòng, ban khoa học - công nghệ; Các trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề; Các lĩnh vực kinh tế liên quan đến chuyên ngành... Các địa chỉ công tác này bao gồm: trong nước và ngoài nước; khối dân sự, quốc phòng, công an, lực lượng vũ trang; khối doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
ISCED Categories