1. Mục tiêu đào tạo
Việt Nam là một trong những nước đang trên đà phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nhiều lĩnh vực nhằm hội nhập vào nền kinh tế khu vực ASEAN. Các cơ sở hạ tầng như chung cư, nhà làm việc, các khu công nghiệp, Trung tâm thương mại … còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu trong và ngoài nước. Từ năm 2015, với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thị trường lao động Việt Nam tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực xây dựng, nhân lực ngành Xây dựng đang khan hiếm vì cung không đủ cầu. Mặt khác, trong xu thế hội nhập với thị trường lao động Đông Nam Á, khối TPP… nguồn nhân lực xây dựng phải thực sự mang tính cạnh tranh. Nghị quyết số 29-NQ/TWngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng nêu rõ vai trò của việc phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp phát triển đất nước. Chính vì vậy ngành Xây dựng có nhiều cơ hội tham gia vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, đóng góp một vai trò không nhỏ để làm nền móng phát triển các ngành kinh tế khác.
Mục tiêu đào tạo: Cung cấp cho sinh viên các kiến thức chuyên sâu về lí thuyết và kĩ năng thực hành. Sinh viên có khả năng tự nghiên cứu phát triển cơ sở lý thuyết, các vấn đề mới, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề từ công tác đánh giá chất lượng các dự án, gói thầu trước khi xây dựng và bảo dưỡng, kiểm tra, kiểm định chất lượng các công trình sau khi hoàn thiện và đưa vào vận hành bao gồm: công trình biển; công trình cảng- đường thủy; công trình giao thông; công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp…
2. Chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất
Chương trình đào tạo được xây dựng từ tham khảo các chương trình đào tạo hàng đầu của Việt nam cũng như của các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, nội dung được chỉnh sửa, cập nhật thường xuyên theo hướng tinh giản, cốt lõi.
Đội ngũ giảng viên cơ hữu tốt nghiệp từ các trường có uy tín trong nước và quốc tế; có kinh nghiệm giảng dạy và kiến thức thực tế phong phú, có bề dày thành tích trong lĩnh vực thiết kế, thi công, nhiều đề tài NCKH các cấp, nhiều giải pháp sáng kiến có giá trị.
Hệ thống phòng học chuyên ngành, phòng máy tính, các phòng thí nghiệm hiện đại đáp ứng nhu cầu đào tạo để đảm bảo tốt chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học. Các công ty, doanh nghiệp luôn tạo điều kiện để sinh viên được thực tập, triển khai các ứng dụng thực tế.
3. Cơ hội việc làm, khả năng thăng tiến trong công việc
Các công ty thường tuyển dụng các kỹ sư chuyên ngành Quản lý công trình xây dựng bao gồm: Các cơ quan quản lý, nghiên cứu về lĩnh vực xây dựng DD&CN, viện nghiên cứu, quản lý… như: Bộ Xây dựng, Bộ giao thông vận tải, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Ban quản lý các công trình trọng điểm, Ban Quản lý các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án Hàng Hải; Viện Quy hoạch cấp tỉnh, Thành phố…; Các công ty tư vấn lập dự án, thiết kế, giám sát, khảo sát đánh giá chất lượng các công trình xây dựng như: ICCI, COSCO…; Các cơ quan quản lý nhà nước như Sở NN và PTNN, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Khoa học công nghệ môi trường; Sở Giao thông vận tải; Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp; Ngoài ra sinh viên còn có cơ hội học tập sau đại học, nghiên cứu sinh tại các cơ sở trong và ngoài nước, giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu về công trình xây dựng…Như vậy, cơ hội việc làm trong ngành Quản lý công trình xây dựng là rất rộng.
ISCED Categories